Hướng tới sự ổn định
Dưới góc nhìn nhà quản lý, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm) trao đổi, về cơ bản phụ huynh và giáo viên luôn mong muốn có sự ổn định về cách thức thi tuyển sinh vào lớp 10; thay đổi nhiều sẽ khiến học sinh và phụ huynh tâm tư, lo lắng cũng như có những phản hồi thiếu tích cực.
Năm học 2023 - 2024 cũng là năm học cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 nên sự thay đổi nhiều quá cũng không hẳn là tốt đối với học sinh. Theo thầy Tùng, việc thi 3 môn đã đủ điều kiện để phân loại thí sinh. Điều này cũng giúp giảm áp lực đáng kể cho học sinh; tiết kiệm ngân sách Nhà nước để tổ chức thi cử cũng như tiết kiệm chi phí học hành. Đồng thời giảm áp lực cho cán bộ, thầy cô làm công tác tổ chức kỳ thi bao gồm coi thi, chấm thi, xét tuyển…
“Thi 3 môn ở năm học trước đã thành công và được nhiều phụ huynh, dư luận xã hội ủng hộ. Còn nếu thi 4 môn, ưu điểm thể hiện rõ nhất ở chỗ sẽ có thêm thông số đánh giá việc dạy và học của bộ môn đó trong mỗi trường và thành phố. Và tất nhiên, cũng không để học sinh lơ là, bỏ bê các môn còn lại để tập trung học 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ”, thầy Nguyễn Quang Tùng phân tích.
Ngoài ra, thầy Tùng cũng cho rằng nên giữ nguyên cách thức nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn. Đề án Ngoại ngữ 2020 đã giúp việc dạy và học ngoại ngữ có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhưng tại Hà Nội, có nhiều sự khác biệt về địa lý, dân tộc ở những khu vực ngoại thành nên Ngoại ngữ vẫn là khó khăn với nơi xa trung tâm. Nếu không nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn thì vai trò của môn Ngoại ngữ sẽ tăng lên, chiếm 1/3 số điểm thi (thay 1/5 như trước) và sẽ bất lợi cho học trò vùng còn khó khăn.